Lượt xem: 31700

Tiếp tục khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế đúng đắn, phù hợp với Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam, được thực tiễn 35 năm đổi mới khẳng định và ngày càng được thể hiện rõ nét trong thực tiễn. Thế nhưng, vẫn còn tồn tại những người có quan niệm tiêu cực, chống phá sự lãnh đạo của Đảng cố tình xuyên tạc, phủ nhận quan điểm trên. Họ cho rằng, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, không thể có kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa; thậm chí, một số cán bộ, đảng viên còn có nhận thức chưa đúng về vấn đề này. Vì vậy, cần có nhận thức đúng cả về lý luận và thực tiễn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để có hành động đúng đắn trong thực tiễn.

    1. Nhìn vào sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử cho thấy, kinh tế thị trường (KTTT) ra đời là một quá trình lịch sử tự nhiên, không phải là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Trong tác phẩm “Bàn về cái gọi là vấn đề thị trường”, Lênin đã khái quát quá trình này qua hai giai đoạn, được tóm tắt: (1) Sự chuyển hóa nền kinh tế tự nhiên của những người sản xuất thành nền kinh tế hàng hóa và (2) Sự chuyển hóa nền kinh tế hàng hóa thành nền KTTT tư bản chủ nghĩa. Sự chuyển hóa thứ nhất xảy ra là do xuất hiện sự phân công lao động xã hội; còn sự chuyển hóa thứ hai xảy ra là do những người sản xuất riêng lẻ bị phân hóa trong quá trình sản xuất, trong đó, người nào giành thắng lợi trong cạnh tranh thì mạnh thêm, mở rộng sản xuất, dần dần trở thành chủ các doanh nghiệp; còn đa số bị phá sản, biến thành công nhân làm thuê. Quá trình này gắn với sự ra đời của CNTB và KTTT tư bản chủ nghĩa.

    KTTT là một kiểu tổ chức kinh tế phản ánh trình độ phát triển nhất định của văn minh nhân loại, trong đó, các yếu tố để sản xuất đều trở thành đối tượng để mua - bán, định giá trên thị trường (chợ). Ở đó, người bán thì cần giá trị (tiền), còn người mua thì cần giá trị sử dụng (công dụng của các dịch vụ hay hàng hóa mà người bán có). Các hoạt động này không phụ thuộc vào ý chí của người bán hay người mua mà do yêu cầu của quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu quyết định. Theo đó, cung về hàng hóa, dịch vụ trên thị trường lớn hơn nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ đó thì hàng hóa, dịch vụ có giá cả thấp; ngược lại thì giá cả hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức bình thường. Câu chuyện “được mùa, mất giá” mà người dân hay ca thán chính là phản ánh yêu cầu của các quy luật khách quan nói trên.

    2. Một thời gian khá dài trước đây, chúng ta đã có nhận thức không đúng về KTTT; hoặc đồng nhất KTTT với kinh tế sản xuất hàng hóa nói chung; hoặc cho KTTT là sản phẩm của CNTB, chịu sự chi phối của quy luật giá trị thặng dư và bóc lột lao động làm thuê. Từ đó, chúng ta đã từng không chấp nhận KTTT trong chủ nghĩa xã hội (CNXH), thậm chí cho KTTT không thể tồn tại cả trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Từ đó chủ trương muốn xóa bóc lột thì phải xóa bỏ kinh tế hàng hóa, KTTT.

    Song, thực tế cho thấy, KTTT không phải là sản phẩm của CNTB. Nó là một hình thức tổ chức kinh tế tồn tại qua nhiều phương thức sản xuất xã hội: Đã có mầm mống từ trong xã hội chiếm hữu nô lệ; hình thành trong xã hội phong kiến và phát triển trong xã hội TBCN. Điều đó khiến nhiều người nhầm tưởng rằng KTTT là sản phẩm của CNTB. Thực tế, ngay trong xã hội TBCN, KTTT cũng phát triển từ thấp đến cao hơn: KTTT tự do cạnh tranh; KTTT TBCN độc quyền và độc quyền nhà nước và hiện nay là KTTT TBCN hiện đại.

    Hiện nay, dựa theo những nét khác biệt và tương đồng, người ta đã chia các mô hình KTTT ở các nước trên thế giới thành 4 nhóm tiêu biểu:

    (1) Mô hình KTTT tự do (tiêu biểu là nền KTTT của Mỹ, Anh, Ốx-trây-li-a,…).

    (2) Mô hình KTTT - xã hội (tiêu biểu là Đức, Thụy Điển và các nước Bắc Âu khác).

    (3) Mô hình KTTT - nhà nước phát triển (tiêu biểu là nền kinh tế Pháp, Nhật Bản).

    (4) Mô hình KTTT định hướng XHCN (ở Việt Nam) và KTTT XHCN (ở Trung Quốc).

    Có thể nói, các mô hình KTTT nói trên đang bao trùm tất cả các nền kinh tế trên thế giới, trừ vài ngoại lệ (như Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên).

    KTTT TBCN hiện đã đạt tới giai đoạn phát triển khá cao và phồn thịnh trong các nước tư bản phát triển. Có lẽ vì vậy mà những kẻ bênh vực, tung hô CNTB cho rằng: KTTT TBCN là mô hình kinh tế cuối cùng của nhân loại, là tương lai của con người!?

    Tuy nhiên, KTTT TBCN không phải là vạn năng và chỉ có màu hồng. Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, những mâu thuẫn của CNTB ngày càng bộc lộ sâu sắc, đặc biệt là các vấn đề xã hội, tính bất công và bất ổn của xã hội, hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo... Có nhà khoa học đã nhận xét: Trên con đường phát triển của CNTB, bánh xe vận hành của nó đã lăn đi trong ngập ngụa máu và nước mắt của nhân loại cần lao, thống khổ trên khắp các lục địa. Đó là “kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”. Có thể nói, nền KTTT TBCN ngày nay là sự thống trị của một số ít nước lớn hay một số tập đoàn xuyên quốc gia đối với đa số các nước nghèo, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa các nước giàu và các nước nghèo.

    Mặc dù CNTB đã và đang tìm mọi cách để tự điều chỉnh, tự thích nghi với những tên gọi khác nhau như: “Nền KTTT - xã hội”, “CNTB nhân dân”,… nhưng, những mâu thuẫn từ trong bản chất của CNTB không thể giải quyết được. Nền KTTT TBCN hiện đại đang ngày càng thể hiện xu hướng tự phủ định mình. Đây là tất yếu khách quan, là quy luật phát triển của xã hội. Và, như Lênin khẳng định: Sự diệt vong của CNTB và sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản đều tất yếu như nhau. Như vậy, nhân loại muốn tiến lên, xã hội muốn phát triển thì dứt khoát không thể dừng lại ở KTTT TBCN.


Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

    3. Ở nước ta, trên cơ sở nhận thức đúng đắn hơn và đầy đủ hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội quyết định chuyển mô hình CNXH kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN (gọi tắt là KTTT định hướng XHCN) và đây là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đây là kết quả của cả một quá trình tìm tòi, thử nghiệm, đấu tranh tư tưởng, kết tinh trí tuệ và công sức của toàn Đảng, toàn dân trong nhiều năm.

    KTTT định hướng XHCN ở nước ta là một mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử phát triển của KTTT, trong đó, KTTT là “cái phổ biến”, còn KTTT định hướng XHCN là “cái đặc thù” của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của Việt Nam. Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã chỉ rõ: KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của KTTT vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

    Sau 35 năm đổi mới, “nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN ngày càng đầy đủ hơn” (Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng). Việc triển khai thực hiện mô hình KTTT định hướng XHCN đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa. Nhờ đó, “Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển…; Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao”. Mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa là xây dựng Việt Nam thành một đất nước có “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” từng bước được hiện thực hóa.

    4. Hiện nay, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị ở cả trong nước và nước ngoài thường xuyên xuyên tạc, phủ nhận KTTT định hướng XHCN hòng làm chệch định hướng XHCN của nền KTTT, thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế theo hướng TBCN, làm cho kinh tế Việt Nam lệ thuộc các trung tâm kinh tế quốc tế, từ đó đặt ra những điều kiện ràng buộc, gây sức ép chính trị, tạo sự chuyển hóa theo quỹ đạo TBCN. Do vậy, cần phải phê phán sai lầm của họ ở những điểm sau:

    Thứ nhất, sai lầm của họ là cố tình đồng nhất KTTT với CNTB và cho rằng chỉ có một loại là KTTT TBCN. Thực tế chỉ rõ: Các quan hệ KTTT và các quan hệ TBCN là hoàn toàn khác nhau. Nguồn gốc và bản chất của KTTT là kinh tế hàng hóa; các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù và quy luật của KTTT. Các phạm trù, quy luật này có trước CNTB, được CNTB nắm lấy, sử dụng để phát triển thành KTTT TBCN. Còn phạm trù tư bản cũng như phạm trù giá trị thặng dự là những phạm trù mang tính lịch sử, chỉ có trong CNTB và trong KTTT TBCN.

    Thứ hai, những người phủ nhận KTTT định hướng XHCN cho rằng “ghép” định hướng XHCN vào KTTT là chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học.

    Đảng ta đã chỉ rõ: Sự lựa chọn mô hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của KTTT trong thời đại ngày nay; là sự tiếp thu có chọn lọc thành tựu văn minh nhân loại nhằm phát huy vai trò tích cực của KTTT trong việc phát triển sức sản xuất, xã hội hóa lao động, cải tiến kỹ thuật - công nghệ, nâng cao đời sống Nhân dân. Đồng thời, hạn chế những mặt tiêu cực của KTTT như chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh không hoàn hảo, bóc lột và phân hóa giàu nghèo quá đáng. Hay nói cách khác, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam vẫn hội đủ các yếu tố của KTTT, nhưng nó mang những giá trị hết sức nhân bản, chứa đựng những thuộc tính nhân văn riêng mà không phải quốc gia nào cũng đạt được. Như Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ “…đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”; “thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước phát triển” nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hay, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ:  KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam “gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”.

    Như vậy, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam có các thiết chế để bảo vệ các nhóm yếu thế, tạo điều kiện cho họ vươn lên tiếp cận các cơ hội của thị trường, giúp họ đối phó với các rủi ro. Thành tựu thực hiện hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong các lĩnh vực giảm nghèo, y tế, dân số, giáo dục ở nước ta đã chứng minh tính ưu việt của KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.

    Thứ ba, sai lầm của những người phủ nhận KTTT định hướng XHCN cho rằng đó chỉ là “để cho yên lòng”, cho có vẻ “giữ vững lập trường” nhưng thực chất đã trượt sang con đường TBCN. Quan niệm này là phủ nhận vai trò quản lý, điều tiết, định hướng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nền KTTT ở nước ta, không thấy tính ưu việt hiện thực của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Quan niệm này cũng chính là ngụy biện, tô son cho vẻ “hào quang” bên ngoài của KTTT TBCN.

    Trên thực tế, KTTT dù ở giai đoạn phát triển nào cũng đều có sự quản lý của Nhà nước, nhưng với mức độ khác nhau ở từng giai đoạn cụ thể. Và, hiện nay, nền KTTT hiện đại ở các nước tư bản phát triển cũng được điều tiết bởi 2 sức mạnh: Sức mạnh vô hình (các yếu tố của thị trường) và sức mạnh hữu hình (sự quản lý của nhà nước), trong đó, điều tiết của thị trường là cơ sở, nền tảng còn điều tiết của nhà nước trên cơ sở nhận thức và tôn trọng các quy luật của thị trường.

    Từ những phân tích trên, ta có thể rút ra kết luận: những quan niệm xuyên tạc, phủ nhận KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam về bản chất họ là những người chống sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới những sắc thái khác nhau, mang trong mình sự ích kỷ và lòng hận thù, không dám thừa nhận và đối mặt với những gì thực tế đang hiện thực trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 114
  • Hôm nay: 5024
  • Trong tuần: 72,344
  • Tất cả: 11,856,533